Tối ưu SEO Onpage - Bước khởi đầu của SEO

Trong SEO thì việc tối ưu SEO Onpage là vô cùng cần thiết, đó cũng là bước khởi đầu của 1 dự án SEO và là khởi đầu của một kế hoạch SEO thành công, hay thất bại.

Tối ưu SEO Onpage
Khi xây nhà, luôn xây chắc từ móng mới lên ngọn, từ cở sở vững chắc này, thì có thể xây những tầng cao hơn, cao hơn nữa. Tương tự, SEO chúng ta cũng cần phải đi từ móng đến ngọn. Khởi nguồn từ móng, chính là bắt đầu với tối ưu Onpage, phải làm chắc Onpage thì sau này các công việc còn lại sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ dàng hơn và có thể đạt top cao hơn, bền vững hơn.
Ví dụ trên _CTPG_ chỉ muốn nói lên sự quan trọng của tối ưu SEO Onpage, nó giúp trang web bền vững hơn, thân thiện hơn với các công cụ tìm kiếm như Google, cũng như giúp các SEOer có thể bức phá mạnh mẽ hơn trong bảng xếp hạng từ khóa của mình.

Vậy phải làm thế nào để tối ưu SEO Onpage cho thật tốt? Hẳn nhiên thì cái nội dung này mình nghĩ trên khắp các diễn đàn, trang web đều có đề cập tới, và phần nào thì nó đã gói gọn nội dung về Onpage đầy đủ cho các bạn. Tuy nhiên, chỉ chung chung như vậy sẽ rất khó cho người đọc tiếp thu, vì vậy, _CTPG_ cũng sẽ tiếp tục góp 1 phần vào những kiến thức đó, để các bạn dễ hình dung và thực hiện hơn trong quá trình SEO của mình.

Tối ưu SEO Onpage - Phải tối ưu thế nào?

Sẽ có khá nhiều những yếu tố góp phần tạo nên SEO Onpage, và mình sẽ nói qua từng yếu tố thực sự ảnh hưởng lớn đến kết quả SEO.

Tối ưu tiêu đề và mô tả

Có 3 yếu tố của SEO Onpage sẽ xuất hiện trên kết quả tìm kiếm, đó là Tiêu đề, đường dẫn và mô tả. Đây chính là 3 yếu tố tác động lớn làm ảnh hưởng tới tỉ lệ click vào kết quả tìm kiếm của người dùng. Nếu chỉ nói về tính thu hút, thì rõ ràng, tiêu đề và mô tả càng độc đáo, càng thu hút click thì càng tốt, tuy nhiên, chúng ta cần phải quan tâm tới yếu tố "thân thiện với SEO" hơn nữa. Bởi nếu chỉ đảm bảo yếu tố thu hút click, thì bạn có thể có mặt ở top tìm kiếm để người khác click không? Câu trả lời là có thể không, vì vậy, bạn phải tối ưu Tiêu đề và mô tả cho từ khóa đó thật tốt nhưng vẫn đảm bảo trôi chảy, thu hút click.
Ở cả tiêu đề và mô tả, hãy đảm bảo cho từ khóa của bạn nằm ở càng gần đầu càng tốt, và cũng không nên lặp đi lặp lại từ khóa ở mô tả hay tiêu đề quá nhiều lần (Ở đây lớn hơn 2 là nhiều rồi). Đồng thời, hãy cố gắng đảm bảo độ dài của tiêu đề là khoảng dưới 65 ký tự và của mô tả là dưới 160 ký tự, để chúng có thể hiển thị hết trên kết quả tìm kiếm mà không bị cắt bớt đi.

Tối ưu đường dẫn - Cấu trúc URL

Như đã nói trên, URL chính là một trong 3 nội dung sẽ hiển thị trên kết quả tìm kiếm. Và URL càng chuẩn thì kết quả xếp hạng của bạn được cải thiện tốt hơn. Nói thì nói vậy thôi, chứ để đánh giá tác động của URL với xếp hạng tìm kiếm thì _CTPG_ chưa có khả năng đánh giá. Tuy nhiên, nó là một yếu tố tác động đến xếp hạng, thì tối ưu URL chính là góp phần nâng tín nhiệm của trang web.
Nên đọc: Nhật ký SEO top 1 Google trong 2.5 tháng
Một URL tốt cho website, thì đó nên là 1 URL:
  • Không dấu
  • Phân cách giữa các chữ là gạch ngang
  • Không có các ký tự đặc biệt khác
  • Từ khóa cần có trong URL, càng gần domain càng tốt
  • Không gồm các ký tự và số, hãy đổi những URL kiểu như vậy thành các URL thân thiện hơn như các yêu cầu phía trên

Tối ưu các thẻ H1 - H3

Tối ưu các thẻ H1 - H3

Các thẻ Heading, từ H1-H3 là các thẻ dùng để làm nổi bật nội dung với công cụ tìm kiếm cũng như với người đọc. Vì thế việc tối ưu các thẻ này sẽ nhấn mạnh hơn với các con bọ tìm kiếm nội dung mà chúng ta sẽ đề cập.

H1 thì ai cũng biết nên làm thế nào, H1 nên được gắn với tiêu đề của trang. Ví dụ ở bài viết này, H1 sẽ được gán vào tiêu đề "Tối ưu SEO Onpage - Bước khởi đầu của SEO". Chỉ nên có 1 thẻ H1!

H2-H3, mình chỉ đề cập đến H2 và H3, từ H4 trở đi không cần quan tâm nhiều. H2, H3 là những mục nổi bật của một bài viết, thông thường các coder sẽ tối ưu ngay từ đầu các phần khác trong trang làm H2 hoặc H3 hoặc có cả H2 và H3, điều này 1 phần giúp việc tối ưu theo yêu cầu của các SEOer sẽ khỏe hơn.Có thể có rất nhiều H2 và H3, đừng quá quan trọng chuyện này.

Chú ý: Trong phần "body" hay là phần nội dung, thẻ H1-H3 nên được xếp đúng thứ tự từ trên xuống.

Mật độ từ khóa

Rất nhiều SEOer không hề để ý đến mật độ từ khóa khi tối ưu SEO Onpage cho website. Việc xuất hiện quá nhiều từ khóa khiến cho Google có thể đánh giá website đang spam từ khóa và ảnh hưởng đến kết quả SEO, chính vì thế phải quan tâm đến mật độ từ khóa.

Có những con số mà nhiều nghiên cứu đưa ra, như mật độ từ khóa không nên cao quá 1.5%, tuy nhiên, theo trải nghiệm của mình, không hẳn là như vậy, mình cho phép mật độ từ khóa của các từ khóa chính lên đến 5%. Và nên lưu ý để từ khóa xuất hiện ở càng gần đoạn đầu tiên của bài viết là tốt nhất nhé.
Nếu là nội dung sản phẩm, bài viết, thì việc tùy chỉnh mật độ từ khóa sẽ khá dễ dàng bởi bạn có thể tùy chỉnh nội dung của sản phẩm, của bài viết. Nhưng nếu là những danh mục, label, thì bạn sẽ tùy chỉnh mật độ từ khóa như thế nào? Giải pháp đưa ra là bạn hãy thêm nội dung vào danh mục, label, viết thêm nội dung, giúp bạn phân bổ từ khóa tốt hơn cũng như đảm bảo một mức độ nào đó mật độ từ khóa tạm chất nhận được đối với bạn.

Tối ưu Internal Links

Tối ưu Internal Links

Đừng bỏ qua yếu tố cực kỳ quan trọng này trong SEO Onpage, là tối ưu liên kết nội (Internal links). Với _CTPG_, internal links chính là những backlink cho trang đích. Một trang đích mạnh sẽ được hỗ trợ rất nhiều bởi các internal links đến từ các bài viết, các nội dung khác trên cùng website.

Thông thường các nội dung trên mạng, các bạn sẽ chỉ thấy đề cập đến công dụng này của Internal links: Điều hướng người dùng đến trang đích. Tuy nhiên, với riêng mình, nó chỉ là thứ yếu mà thôi. Bởi nó chính là backlink trong chính website của bạn, là yếu tố góp phần tạo móng cho Onpage.
Hãy xây dựng cho internal links một mô hình như khi bạn xây dựng mô hình backlink. Đừng cho rằng điều này là thừa thải. Với internal links và một mô hình tốt, bạn có thể tính toán số lượng nội dung cần thiết để viết hỗ trợ cho trang đích cho đến khi đạt top mong muốn. Và hãy thực hiện đúng mô hình bạn xây dựng, để đánh giá hiệu quả của nó đem lại.

Tối ưu hình ảnh

Hình ảnh trong nội dung sẽ giúp nội dung sinh động hơn, truyền tải tốt hơn, ngoài ra nó cũng giúp bạn tăng cơ hội có được traffic đến từ các công cụ tìm kiếm hình ảnh.

Yếu tố hình ảnh các bạn nên quan tâm đến:
  • Tên ảnh trước khi upload, nên là không dấu, ngăn cách bằng dấu gạch ngang
  • Đường dẫn ảnh sau khi upload, tương tự như đường dẫn URL nói ở trên
  • Ảnh phải có Title và Alt để khai báo với Google, Title và Alt của ảnh phải chứa từ khóa
  • Kích thước ảnh nên vừa phải, vừa đủ, đừng sử dụng ảnh quá lớn hay quá nhỏ.

Liên kết ngoại - External links

Nhiều bài viết cho rằng đây là yếu tố cần thiết, nên có các liên kết ngoại ra ngoài website của bạn. Tuy nhiên, đừng cho rằng điều này là nhất thiết. Khi cần dẫn nguồn thì hẵng thêm vào, còn không, của bạn thì không ngu gì cho link cho người khác. Với mình, external links có cũng được, không cũng chẳng sao, những nội dung lấy của người khác thì có thể trích dẫn link cho họ để tôn trọng quyền tác giả.
Nên đọc: Cách SEO từ khóa lên top 1x trong vòng 3 tuần

Nội dung và số lượng từ cần thiết

Nội dung và số lượng từ cần thiết

Không biết bao nhiêu SEOer mới vào nghề đặt ra câu hỏi: "1 bài viết nên viết bao nhiêu từ?". Trời ơi, đừng quan tâm đến nó các bạn ạ. Khả năng chém gió của bạn đến đâu, kiến thức đến đâu thì viết đến đó. Đừng suốt ngày quan tâm rồi đếm chữ các kiểu con đà điểu như vậy. Có nhiều bài viết có mấy từ thôi mà top đầy ra đấy thôi.
Quan trọng là nội dung, nội dung của bạn có cung cấp thông tin hữu ích cho người dùng hay không. Nội dung ngắn, nhưng đem lại sự hài lòng cho người đọc, là đủ. Nội dung dài, cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối, là quá tốt. Đừng cố ngồi gõ cho lắm vào rồi người đọc vào chán ngán lướt vài "cuộn chuột" rồi out là xong phim.

Tốc độ tải trang

Không nhiều người cho rằng nó ảnh hưởng đến SEO của bạn, và hiển nhiên giờ cũng chưa thấy nhiều nghiên cứu về nó. Nhưng trong tối ưu SEO Onpage, thì việc tối ưu tải trang là cần thiết, bởi nó tác động trực tiếp đến người đọc của bạn.

Tự hỏi chính các bạn xem, vào một website tốc độ tải như rùa bò thì các bạn ở lại đọc tiếp hay kiếm trang khác cho khỏe? Chắc 99% bạn trả lời là đi kiếm trang khác. Việc vừa vào chưa load xong web out luôn khiến cho time onsite của website thật thảm hại, cũng như tỉ lệ thoát thì cứ ngất ngưỡng. Đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới xếp hạng website của bạn trên kết quả tìm kiếm. Vì thế, nên đảm bảo tốc độ tải trang của bạn, không cần phải quá nhanh, nhưng nên cân bằng giữa tốc độ tải và giao diện.
Đọc thêm: Hướng dẫn phân tích và lựa chọn từ khóa SEO
Với một số "lạm bàn" về Tối ưu SEO Onpage ở trên của _CTPG_, hy vọng sẽ củng cố thêm được những kiến thức ít ỏi cho các SEOer trên con đường làm SEO của mình.
Nhãn:
_CTPG_

Trần Bá Đạt (_CTPG_)

Là một người yêu thích công nghệ thông tin và hiện đang là một SEOer, một Marketer. Trong đó tranbadat.info là một trong những dự án của mình nhằm cung cấp nhiều kiến thức hơn cho mọi người về Internet, SEO, BlogspotWindows

Post a Comment

[blogger]

Contact Form

Name

Email *

Message *

Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget